Chỉ trong đầu tháng 8, giá thép trong nước đã có sự điều chỉnh giảm 2 lần liên tiếp. Theo VSA, thép xây dựng trong giai đoạn từ tháng từ 7 đến tháng 9 sẽ kém sôi động do yếu tố thời tiết bước vào mùa mưa, nhiều công trình xây dựng ảnh hưởng tiến độ.
Chiều 8/8, nhiều doanh nghiệp thông báo hạ giá sản phẩm lần thứ 13 liên tiếp trong 3 tháng qua với mức giảm lên đến 1,31 triệu đồng/tấn.
Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này lần lượt còn 14,88 triệu đồng/tấn và 15,74 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu thép Pomina tại khu vực miền Trung điều chỉnh giảm giá thép cuộn CB240 1,31 triệu đồng/tấn xuống còn 14,98 triệu đồng/tấn. Thép thanh vằn D10 CB300 hạ 310.000 đồng/tấn xuống còn 16,39 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn, 260.000 đồng/tấn xuống còn 14,75 triệu đồng/tấn và 15,5 triệu đồng/tấn.
Về thép Việt Đức, hai loại thép trên giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 260.000 đồng/tấn còn 14,75 triệu đồng/tấn và 15,05 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Nhật, giá hôm nay là 14,75 triệu đồng/tấn và 15,35 triệu đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300 sau khi giảm lần lượt 200.000 đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn.
Có thể thấy, trong hơn 2 tháng kể từ ngày 11/5, giá thép đã chứng kiến 13 lần giảm liên tiếp với tổng mức giảm lên đến khoảng 4-5 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, loại thép và vùng miền. Giá thép trong nước đã giảm về mức thấp hơn giá đầu năm nay.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện nay, đa phần các nhà máy đều trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau. Để tháo gỡ khó khăn, nhiều nhà máy thép đã buộc phải phải cắt giảm sản xuất từ 3 ca/ngày xuống còn 2 ca/ngày, thậm chí có những giai đoạn phải dừng sản xuất.
Gần đây EU đã bổ sung Việt Nam vào nhóm “các nước khác” với hạn ngạch nhập khẩu dành cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) từ ngày 1.7.2021 – 30.6.2022, và tăng 4%/năm trong 2 năm tới. Với điều chỉnh này, xuất khẩu mặt hàng sắt thép của Việt Nam sang thị trường EU có thể sẽ giảm trong thời gian tới.
VSA cho rằng, thị trường thép nửa cuối năm sẽ còn khó khăn hơn khi dự báo giá Thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục giảm, trong khi lợi nhuận mảng xuất khẩu thép không còn tốt như trước.
Bên cạnh đó, bán hàng Thép xây dựng trong giai đoạn từ tháng từ 7 đến tháng 9 sẽ không sôi động do yếu tố thời tiết bước vào mùa mưa, nhiều công trình xây dựng ảnh hưởng tiến độ.
Trong khi đó, VnDirect nêu quan điểm rằng ngành thép thường xuyên có các giai đoạn giá tăng và giá giảm xen kẽ vì đây là một ngành có tính chu kỳ. Đơn vị này kỳ vọng giá bán thép xây dựng sẽ giảm dần về mức trung bình trong dài hạn.
Tuy nhiên triển vọng nhu cầu thép phục hồi sau đại dịch và giá nguyên liệu đầu vào vẫn duy trì ở mức cao sẽ khiến quá trình giảm giá này kéo dài hơn dự kiến. Mức 16,1 triệu đồng và 14,5 triệu đồng một kg là giá thép mà VnDirect tính toán trong năm nay và năm 2023, tương ứng giảm 5-15% so với hiện tại.
Tại thị trường Trung Quốc, giá nhiều loại thép ngày 8/8 tăng. Giá thép thanh vằn tăng 1,7% lên 4.172 nhân dân tệ/tấn (618 USD/tấn). Cuộn cán nóng tăng 1,3% lên 4.080 nhân dân tệ/tấn (604 USD/tấn). Cuộn cán nguội cũng tăng 0,4% lên 4.510 nhân dân tệ/tấn (668 USD/tấn). Giá quặng sắt tại Trung Quốc ghi nhận mức tăng 5,3% lên 805 nhân dân tệ/tấn (120 USD/tấn).
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) cảnh báo việc thị trường bất động sản Trung Quốc đóng băng sẽ khiến thị trường quặng sắt toàn cầu rơi vào tình trạng dư cung đến 67 triệu tấn quặng sắt vào nửa cuối năm nay và giá mặt hàng này có thể sụt giảm mạnh trong thời gian tới.
Cuộc khủng hoảng bất động sản đã bùng nổ trong năm nay, nhấn chìm các nhà phát triển bất động sản và gây thiệt hại cho nhiều ngân hàng. Các nhà máy thép đã sản xuất hơn một tỷ tấn vào năm ngoái, chiếm khoảng một nửa sản lượng toàn cầu, đang rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm. Điều này cũng ảnh hưởng đến giá quặng sắt và các nhà khai thác quặng sắt từ Úc đến Brazil.
Nguồn: Nhịp sống kinh tế